Thứ 3 ngày 26 tháng 09 năm 2023Lượt xem: 9854
Bệnh thần kinh cơ do mắc bệnh trầm trọng.
Bệnh thần kinh cơ do mắc bệnh trầm trọng (CINM - critical illness neuromyopathy) thường xảy ra trên bệnh nhân điều trị tại khoa hồi sức tích cực, nhất là trên những bệnh nhân được điều trị kéo dài.
Các thể bệnh thường gặp là bệnh đa dây thần kinh do mắc bệnh trầm trọng (CIP - critical illness polyneuropathy), bệnh cơ do mắc bệnh trầm trọng (CIM - critical illness myopathy) hoặc phối hợp cả hai là bệnh đa dây thần kinh và bệnh cơ do mắc bệnh trầm trọng (CIPNM - critical illness polyneuromyopathy). Tiêu chuẩn chẩn đoán nhóm bệnh lý trên dựa theo Stevens năm 2009, trong đó chẩn đoán điện (điện cơ) có vai trò rất quan trọng
Triệu chứng thường gặp của những rối loạn thần kinh cơ trên bệnh nhân được điều trị hồi sức là yếu liệt kiểu ngoại biên. Tuy nhiên, việc nhận ra và xác định từng thể bệnh thần kinh cơ qua thăm khám lâm sàng tương đối khó khăn; đặc biệt là bệnh nhân có rối loạn ý thức, sử dụng thuốc an thần hay có bệnh hệ thần kinh trung ương,…
Bệnh trầm trọng là thuật ngữ chỉ nhiều tình trạng bệnh nội khoa hay ngoại khoa nguy kịch, đe dọa sự sống, cần được điều trị tại đơn vị chăm sóc tích cực. Tác giả Bone và các tác giả khác đã đưa ra định nghĩa bệnh trầm trọng là tình trạng bệnh nặng xảy ra có sự hiện diện của hội chứng đáp ứng viêm hệ thống, gồm hai trong bốn tiêu chuẩn sau:
- Thân nhiệt lớn hơn 380C hay nhỏ hơn 360C.
- Nhịp tim lớn hơn 90 lần/phút.
- Nhịp thở lớn hơn 20 lần/phút hoặc PCO2 nhỏ hơn 32 mmHg.
- Bạch cầu đếm lớn hơn 12.000 tế bào/mL hoặc nhỏ hơn 4000 tế bào/mL hoặc lớn hơn 10 bạch cầu non/mL.
#1 Sức cơ bệnh nhân (đánh giá dựa vào thang tổng điểm sức cơ của Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Anh - MRC).
Có 3 cử động của chi trên được đánh giá sức cơ gồm dạng cánh tay, gập khuỷu, duỗi cổ tay và 3 cử động của chi dưới gồm gập hông, duỗi gối, gập lưng bàn chân. Mỗi cử động được cho điểm từ 0 đến 5, với 0 là không thể cử động và 5 là sức cơ bình thường. Tổng số điểm của tứ chi là 60, nếu nhỏ hơn 48 là có yếu cơ trên lâm sàng.
Các cử động được đánh giá cho từng bên: Dạng cánh tay, Gập khuỷu, Duỗi cổ tay, Gập hông, Duỗi gối, Gập lưng bàn chân.
Điểm cho mỗi cử động: 0 = không có co cơ; 1 = có co cơ nhưng không cử động chi; 2 = vận động chủ động không thắng trọng lực; 3 = vận động chủ động thắng trọng lực; 4 = vận động thắng trọng lực và kháng lực; 5 = sức cơ bình thường.
#2 Tiêu chuẩn liệt mắc phải tại đơn vị hồi sức tích cực.
1. Yếu toàn thể sau khi khởi phát bệnh trầm trọng.
2. Yếu cơ lan tỏa cả gốc chi lẫn ngọn chi, đối xứng, liệt mềm.
3. Tổng điểm sức cơ MRC < 48, hay điểm trung bình MRC < 4 xảy ra hơn 24 giờ sau khởi phát bệnh trầm trọng.
4. Lệ thuộc máy thở.
5. Đã loại trừ nguyên nhân gây yếu cơ không liên quan với bệnh trầm trọng.
Chẩn đoán là liệt mắc phải tại đơn vị hồi sức tích cực khi có các tiêu chuẩn 1, 2, 3 hoặc 4, 5.
#3 Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh đa dây thần kinh do mắc bệnh trầm trọng.
1. Bệnh nhân đủ tiêu chuẩn yếu liệt mắc phải tại đơn vị hồi sức tích cực.
2. Biên độ điện thế hoạt động cơ toàn phần giảm < 80% giới hạn thấp bình thường ở ít nhất 2 dây thần kinh.
3. Biên độ điện thế hoạt động thần kinh cảm giác giảm < 80% giới hạn thấp bình thường ở ít nhất 2 dây thần kinh.
4. Tốc độ dẫn truyền thần kinh bình thường hoặc gần bình thường, không có nghẽn dẫn truyền.
5. Không có đáp ứng giảm khi kích thích thần kinh lặp lại.
#4 Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh cơ do mắc bệnh trầm trọng - CIM.
1. Bệnh nhân đủ tiêu chuẩn yếu liệt mắc phải tại đơn vị hồi sức tích cực.
2. Biên độ SNAP > 80% giới hạn thấp bình thường ở ít nhất 2 dây thần kinh.
3. Điện cơ kim ở ít nhất 2 nhóm cơ có đơn vị vận động có thời khoảng ngắn, biên độ thấp, kết tập sớm, giao thao hoàn toàn, có hay không có điện thế co giật sợi cơ.
4. Kích thích cơ trực tiếp có giảm tính kích thích ở 2 nhóm cơ (tỉ số cơ/thần kinh > 0,5).
5. Sinh thiết có hình ảnh bệnh cơ.
Chẩn đoán gần chắc chắn CIM khi có các tiêu chuẩn 1, 2, 3 hoặc 4; hay 1 và 5.
Chẩn đoán xác định là CIM khi có các tiêu chuẩn 1, 2, 3 hoặc 4, 5.
#5 Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh đa dây thần kinh và bệnh cơ do mắc bệnh trầm trọng.
1. Bệnh nhân có đủ tiêu chuẩn chẩn đoán yếu liệt mắc phải tại đơn vị hồi sức tích cực.
2. Bệnh nhân có đủ tiêu chẩn chẩn đoán CIP.
3. Bệnh nhân có đủ tiêu chuẩn chẩn đoán gần chắc chắn hay xác định CIM.
Chẩn đoán là CIPNM khi có cả 3 tiêu chuẩn trên.
Mời xem thêm >>>
1. Viêm não do kháng thể NDMA (N-methyl-D-aspartate receptor).
2. Viêm não do kháng thể LGI1 (leucine-rich glioma inactivated 1).
3. Viêm não do kháng thể CASPR2 (contactin associated protein 2).
4. Viêm não Bickerstaff (biến thể của hội chứng Gullain-Barré).
Tin xem nhiều nhất
-
Ngày 09/02/2018
ĐIỆN CƠ là gì ...
-
Ngày 13/02/2018
Điều trị Co thắt mi mắt (Blepharospasm)?
-
Ngày 01/03/2018
Điều trị co cứng cơ sau Đột quỵ não.
-
Ngày 26/05/2018
Điều trị Co thắt nửa mặt (Hemifacial spasm)?
-
Ngày 05/04/2020
Liệt dây thần kinh số VII.
-
Ngày 05/10/2021
Chẩn đoán định khu tổn thương tủy sống.