Thứ 5 ngày 17 tháng 10 năm 2024Lượt xem: 4738
Kiểm soát Rối loạn đi tiểu ở người cao tuổi – Phì đại tuyến tiền liệt.
Phì đại tuyến tiền liệt là sự tăng sinh lành tính một thực thể mô bệnh lý đặc hiệu gồm sự tăng sinh của mô nền và tế bào niêm mạc tuyến, kết quả là tuyến tiền liệt to ra có thể gây bế tắc đường tiết niệu dưới.
Trên thế giới có khoảng 60% nam giới ở tuổi 60 bị tăng sinh lành tuyến tiền liệt, tần suất bệnh tăng dần theo tuổi nên số người mắc bệnh ngày càng cao. Bệnh gây ra các triệu chứng rối loạn đi tiểu làm ảnh hưởng đến chất lượng sống.
#1 Chẩn đoán phì đại tuyến tiền liệt.
Để xác định tình trạng phì đại tuyến tiền liệt, bác sĩ bắt đầu bằng cách thăm khám và hỏi tiền sử bệnh.
Một số phương pháp khác cũng được chỉ định để hỗ trợ chẩn đoán bệnh như sau:
• Siêu âm: là phương pháp thông dụng và dễ thực hiện. Siêu âm sẽ cho thấy hình thể, kích thước và trọng lượng của tuyến tiền liệt, đồng thời đo được lượng nước tiểu tồn lưu trong bàng quang sau khi người bệnh đã đi tiểu.
• Nội soi bàng quang: Một ống soi nhỏ được đưa vào niệu đạo của người bệnh để kiểm tra tình trạng niệu đạo và bàng quang.
• Phân tích nước tiểu: giúp tìm ra máu và vi khuẩn tồn tại trong nước tiểu.
• Kiểm tra niệu động học: phương pháp này đánh giá được sức co bóp của bàng quang và tốc độ của dòng nước tiểu.
• Kháng nguyên đặc hiệu PSA (Prostate Specific Antigen): xét nghiệm này giúp xác định tình trạng ung thư tuyến tiền liệt.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể hỏi về các loại thuốc bạn đang dùng xem có thể ảnh hưởng đến hệ tiết niệu không. Cụ thể như là thuốc chống trầm cảm, thuốc lợi tiểu, thuốc kháng histamine, thuốc an thần, thuốc tăng huyết áp..…
#2 Các phương pháp điều trị phì đại tuyến tiền liệt.
Trong một số trường hợp nhẹ, người bệnh không cần điều trị nội khoa hay phẫu thuật. Bác sĩ sẽ dựa trên chỉ số tình trạng bế tắc (International prostate symptom score-IPSS) và thang điểm chất lượng cuộc sống để điều trị phù hợp.
Một số phương pháp điều trị phì đại tuyến tiền liệt đang được áp dụng hiện nay:
1. Phương pháp tự nhiên
Điều trị theo phương pháp tự nhiên nghĩa là không sử dụng thuốc hay can thiệp phẫu thuật, mà thực hiện thay đổi lối sống, tập luyện, nghỉ ngơi để giúp giảm các triệu chứng của bệnh, bao gồm:
• Đi tiểu ngay khi bạn cảm thấy buồn tiểu
• Đi tiểu định kỳ, ngay cả khi không buồn tiểu
• Tránh dùng các loại thuốc trị bệnh đường hô hấp không kê đơn hoặc thuốc kháng histamin vì nó có thể gây ức chế bàng quang, khiến bạn khó đi tiểu sạch
• Tránh rượu và các thức uống chứa caffeine, đặc biệt là sau bữa tối
• Điều chỉnh tâm trạng, giảm căng thẳng, bởi căng thẳng có thể làm tăng số lần đi tiểu
• Tập thể dục thường xuyên giúp làm giảm mức độ trầm trọng của bệnh
• Học và thực hành các bài tập Kegel để tăng cường sức khỏe của cơ vùng chậu
• Giữ ấm cơ thể, vì lạnh có thể làm cho các triệu chứng trở nên nặng nề hơn.
2. Điều trị bằng thuốc
Trong trường hợp các biện pháp tự nhiên không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh dùng thuốc, gồm:
• Thuốc chặn alpha-1: Đây là nhóm thuốc làm giãn cơ bàng quang và tuyến tiền liệt để giúp nước tiểu chảy dễ dàng hơn như: Doxazosin, Prazosin, Alfuzosin, Terazosin…
• Thuốc giảm hormone (Thuốc ức chế 5 alpha-reductase): Các loại thuốc làm giảm nồng độ hormone dihydrotestosterone do tuyến tiền liệt sản xuất như Dutasteride và Finasteride thường được kê đơn trong trường hợp này. Thuốc có thể làm cho tuyến tiền liệt nhỏ đi (nhất là với trường hợp tuyến tiền liệt > 30 mL) và cải thiện lưu lượng nước tiểu.
• Thuốc kháng Muscarinic: Các loại thuốc kháng Muscarinic như Oxybutynin ER, Solifenacin có tác dụng giãn cơ trơn, điều trị chứng bàng quang tăng hoạt gây tiểu gấp, tiểu không tự chủ.
ktk.vn tk
Tin xem nhiều nhất
-
Ngày 09/02/2018
ĐIỆN CƠ là gì ...
-
Ngày 13/02/2018
Điều trị Co thắt mi mắt (Blepharospasm)?
-
Ngày 01/03/2018
Điều trị co cứng cơ sau Đột quỵ não.
-
Ngày 26/05/2018
Điều trị Co thắt nửa mặt (Hemifacial spasm)?
-
Ngày 05/04/2020
Liệt dây thần kinh số VII.
-
Ngày 05/10/2021
Chẩn đoán định khu tổn thương tủy sống.